Đến ấp Đông
Thắng, xã Đông Thắng hỏi về “Cô Mạnh phụ nữ” thì hầu như bà con trong ấp đều
biết. Hơn 20 năm tham gia công tác ở địa phương, trải qua nhiều vị trí công tác
khác nhau, từ tổ trưởng tổ vay vốn, chi Hội Trưởng hội phụ nữ ấp, rồi đến Bí
thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, cô Dương Thị Mạnh đã quá “quen thuộc” với bà con
nhân dân địa phương. Chia sẻ với chúng tôi về niềm đam mê với công tác chính
trị, xã hội ở địa phương cũng như “bí quyết” thành công để được bà con nhân dân
địa phương tin tưởng, quý mến, cô Mạnh cho biết: “Vì địa bàn ấp Đông Thắng đa
số là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, bản thân
cũng là người dân tộc Khmer, tôi mạnh dạn tham gia công tác địa phương với mong
muốn để có thêm những hiểu biết sau đó về tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà
con trong ấp cải thiện cuộc sống. Riêng bản thân luôn học tập và noi theo tấm
gương của Bác, nhất là những đức tính tốt của Bác để áp dụng vào công tác cũng
như đời sống hằng ngày”.
Để việc học
tập và làm theo gương Bác thật sự đi vào chiều sâu, trở thành nếp nghĩ, cách
làm thường xuyên của mỗi cá nhân, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp,
đồng thời cũng là Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ ấp, cô Mạnh đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân
dân trong ấp về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị bằng
nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch cụ
thể phù hợp với điều kiện của địa phương. Cô Mạnh cho biết: “Chi bộ ấp lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp
dân, những ngày đi viếng chùa, vận động đoàn viên, hội viên và bà con đăng ký
làm theo. Nội dung học Bác được cụ thể hóa dễ hiểu, phù hợp, gắn với các tiêu
chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô
thị”.
Những năm
gần đây, để giúp bà con nhân dân trong ấp phát triển kinh tế - sản xuất, Cô
Mạnh chủ động phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức các buổi tập huấn,
chuyển giao khoa học, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi
phù hợp để nâng cao giá trị sản xuất. Không những vậy, việc kết nối giúp người
dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng được Cô Mạnh cũng như
Chi bộ ấp Đông Thắng chú trọng thực hiện. Cô Mạnh cho chia sẽ: “Hiện nay, mô
hình trồng màu dưới chân ruộng được bà con trong ấp phát triển mạnh, nhờ việc
lựa chọn giống cây trồng phù hợp, bà con đã có nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ
khấm khá đã vươn lên thoát nghèo, hiện nay trong ấp không còn hộ nghèo, hộ cận
nghèo còn 06 hộ, trong đó có 05 hộ dân tộc Khmer”.
Học tập và làm theo Bác, cô Mạnh – một người cán bộ nhiệt huyết với công
tác đã cùng với bà con đồng bào Khmer ở ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng đoàn kết,
quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí trong lao động, sản xuất, nhờ đó
đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt, ý thức xây
dựng đời sống văn hóa ngày càng cao. Cô Mạnh phấn khởi nói: “Mấy năm nay, bà
con trong ấp, nhất là đồng bào dân tộc Khmer ngày càng tiến bộ chịu khó học
hỏi, tiếp thu những điều hay, cái tốt và hơn hết là việc đồng thuận cao trong
đăng ký học tập và theo Bác, đưa việc học và làm theo Bác dần đi vào cuộc sống”.
Học tập và làm theo Bác là việc tưởng khó, nhưng với nhiều người biết
vận dụng một cách linh hoạt lại trở thành việc rất gần gũi và dễ thực hiện. Cô
Dương Thị Mạnh đã chọn cho mình những cách làm riêng về việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh một cách hiệu quả và mang lại ý
nghĩa thiết thực.